Ngành cơ khí vẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thế nhưng sau 20 năm phát triển, đặc biệt sau 10 năm kể từ khi Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được ban hành (năm 2002) cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, song cho đến nay, ngành này chưa đáp ứng được kỳ vọng, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất vẫn còn lạc hậu so với thế giới, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành rất hạn chế, các doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu…
> Tin động cơ mới nhất: động cơ 3 pha và nguyên lý hoạt động
> Motor mini mới nhất
Vậy, đâu là nguyên nhân và làm thế nào để vực dậy ngành công nghiệp quan trọng này?
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam vẫn phải xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia. “Vẫn biết đây là việc hết sức khó khăn, nhưng Việt Nam không thể không làm, bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất, đảm bảo an ninh – quốc phòng để phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình thế giới đầy biến động”.
Thực tế thời gian qua, với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cởi mở của Đảng và Nhà nước, ngành cơ khí Việt Nam vẫn sản xuất được một số sản phẩm đạt chất lượng tốt tương đương với nước ngoài và có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.
Cụ thể như: Chế tạo được hệ thống thủy công xây dựng dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu và nhiều nhà máy thủy điện khác; hình thành được một số doanh nghiệp cơ khí nội địa đầu tư sản xuất lắp ráp một số loại ô tô tải, ô tô bus, ô tô dưới 9 chỗ để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu; tự chủ đóng mới nhiều loại tàu viễn dương có trọng tải lớn;
Làm chủ công nghệ chế tạo một số loại động cơ, máy biến áp điện, khí cụ và dây điện cao áp, hạ áp, đặc biệt đã hoàn thành chế tạo được biến thế 500 KV, 3 pha đạt chất lượng để phục vụ ngành điện thay thế phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và tự chủ dự phòng cho các nhà máy điện đang hoạt động…
Mặc dù đạt được một số thành tựu, song công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Nguyên nhân ngành cơ khí không thể “bật lên được” trong thời gian qua là do vướng phải nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, điểm nghẽn về thị trường, bất kỳ ngành sản xuất nào mà không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, thì đều không thể phát triển được. Trong khi đó Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành cơ khí.
Điểm nghẽn tiếp theo là từ các yếu tố vi mô là năng lực của doanh nghiệp. Theo đó, trình độ quản trị sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất – kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, việc đầu tư đổi mới công nghệ trùng lắp, phân tán, gây lãng phí lớn và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém…
Đối với điểm nghẽn từ các yếu tố vĩ mô là công tác quản lý nhà nước. Thời gian qua Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đối với cơ khí nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống; hệ thống chính sách quản lý phát triển kinh tế, công nghiệp của Nhà nước trong đó có cơ khí chưa đồng bộ.
Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam, không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của các doanh nghiệp cơ khí phải tự vươn lên để cạnh tranh tồn tại theo điều tiết thị trường của “bàn tay vô hình” mà các doanh nghiệp cơ khí luôn cần có “bàn tay hữu hình của Chính phủ” để làm bà đỡ thông qua hệ thống chính sách như các nước đã và đang thực hiện.
Cần “bệ phóng” cho ngành cơ khí
Ông Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật nhiệt Việt Nam
Từ nay đến 2030, ít nhất Việt Nam phải đưa vào vận hành 3 – 4 nhà máy nhiệt điện than cỡ 1.200 MW, tương ứng cần 6 – 8 tỷ USD cho nhiệt điện than (theo thời giá đầu tư hiện nay). Sau nhiệt điện than sẽ là nhiệt điện khí.
Theo dự tính, tới năm 2050 sẽ cần 116.000 MW điện than, tương đương 96 nhà máy nhiệt điện than cỡ 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ USD (thời giá năm 2019); 45.200 MW điện khí, tương đương 60 nhà máy nhiệt điện khí cỡ 750MW, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm cần khoảng 8 – 9 tỷ USD để đầu tư xây dựng các nhà máy điện mới. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện.
Trước yêu cầu to lớn của đất nước trong việc xây dựng các loại nhà máy điện, theo quan điểm của chúng tôi, cần thiết phải khai thác năng lực và kinh nghiệm của các doanh nghiệp cơ khí, lắp máy trong quá trình tham gia chế tạo, lắp ráp các hạng mục xây dựng các loại nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, bổ sung thêm năng lực chế tạo cơ khí còn yếu cho các doanh nghiệp hiện có, khi đó Việt Nam hoàn toàn sẽ có một ngành công nghiệp chế tạo nhà máy nhiệt điện hoàn chỉnh.
Để thực hiện được điều này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho thành lập Ban nghiên cứu xây dựng ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện ở Việt Nam. Ban này có nhiệm vụ tiến hành khảo sát ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện ở các nước, đánh giá hiện trạng của ngành cơ khí Việt Nam.
Từ đó, đề xuất quy mô đầu tư, các hình thức đầu tư để làm sao cho trong vài ba năm tới sẽ hình thành được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị nhiệt điện than. Đây là ngành công nghiệp luôn luôn có nhu cầu, có thị trường trong nước để phát triển.
Việc có ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện có thể coi như một “bệ phóng” để thúc đẩy các ngành khác phát triển như các ngành luyện kim, cơ khí. Trong đó, trước mắt là đáp ứng nhu cầu đại tu sửa chữa hàng trăm nhà máy điện.
Các nhà máy chế tạo nhà máy điện tuy là những nhà máy lớn, có trình độ công nghệ phức tạp nhưng không có nghĩa là Việt Nam không thể với tới được, lực lượng cán bộ khoa học – kỹ thuật của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng và đảm nhiệm được.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước
Ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam
Để khuyến khích, thúc đẩy ngành chế tạo cơ khí trong nước, cần phải thực hiện một số giải pháp cấp thiết.
Theo đó, cần quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân hay vốn đầu tư nước ngoài… nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được bắt buộc do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện.
Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.
Để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2035 theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi xin đề xuất một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Trong đó, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035 với mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ 2025 đến 2030 là 5%, sau 2030 là 10%. Xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, xem xét giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo: Miễn tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu tiên với các cơ sở thiết lập mới, giảm một phần tiền thuê đất đối với các cơ sở thiết lập mới sau 10 năm và các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động.
Đặc biệt, cần ban hành nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả các nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài…).
Về tín dụng, ngân hàng, xem xét các gói tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, ổn định áp dụng cho vay dài hạn để đầu tư các cơ sở vật chất và ngắn hạn sử dụng để vận hành sản xuất, chế tạo…
Chính sách đầu tư chưa hiệu quả
Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất – kinh doanh là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam…). Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh.
Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.
Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông…).
Tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%). Điều này chứng minh hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế…
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do những rào cản tự nhiên do đặc thù của ngành còn lớn như: đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm; đòi hỏi trình độ khoa học – công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự ổn định, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành cơ khí. Việc ban hành và triển khai các chính sách để triển khai, thực hiện chủ trương của Đảng, chiến lược, chương trình của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí chậm và chưa hiệu quả…
Từ thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp cơ khí, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cần khẳng định quan điểm và mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí trong thời kỳ mới.
Theo đó, quan điểm phát triển: “Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, được quan tâm đầu tư thích đáng.
Đồng thời, tập trung phát triển các phân ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh; phát triển ngành trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh toàn cầu là động lực phát triển; khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế trong quá trình hội nhập; chú trọng phát triển một số chuyên ngành, lĩnh vực cơ khí lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Từ đó, mục tiêu tổng quát, đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
Khắc phục bất lợi để chuyển thành lợi thế
Ông Toru Kinoshita – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam
Trước bối cảnh hội nhập toàn khu vực ASEAN vào năm 2018, khi mà thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) về 0%, VAMA nhận thấy còn một số khó khăn đối với xe sản xuất trong nước (CKD).
Nếu như trước năm 2018, khi thuế xuất nhập khẩu xe từ các nước ASEAN còn ở mức cao, xe sản xuất trong nước còn có khả năng cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Nhưng từ năm 2018 khi không còn bảo hộ, thuế suất ASEAN của xe CBU về 0% thì xe CKD không thể cạnh tranh được với xe CBU. Điều này là rất khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, lợi thế của các nhà cung ứng ở Việt Nam là có tay nghề lao động tốt, chi phí lao động thấp và do ở ngay tại Việt Nam nên chi phí vận chuyển đến nhà máy lắp ráp ô tô rẻ.
Tuy nhiên, bất lợi lớn của nhiều nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ do dung lượng thị trường ở Việt Nam nhỏ, kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được.
Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém của cơ khí Việt Nam, do thiếu ngành công nghiệp vật liệu chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ phát triển hạn chế, quản trị và cung ứng còn thấp khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất được một số linh phụ kiện đơn giản hoặc có lợi thế so sánh như ghế ngồi, cụm dây điện…
Những chi tiết đòi hỏi yêu cầu cao hơn như: động cơ, hộp số thì cần nhiều linh kiện có chất lượng cao và các doanh nghiệp chưa đáp ứng được bởi quy mô thị trường nhỏ, năng lực sản xuất linh kiện hạn chế.
Mặc dù, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều sự hỗ trợ tích cực và quy mô thị trường đang tăng lên. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm nữa mới có thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế.
Để làm được điều này, VAMA kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô. Trong đó, ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực thông qua việc đào tạo nhân lực, tuyển dụng.
Muốn thành công phải đi từ nhỏ đến lớn
Ông Phan Tấn Bện – Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn
Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa là những loại máy ngoại nhập. Máy nông nghiệp sản xuất trong nước hầu như ngày càng vắng bóng trên thị trường và dần tự đánh mất vị thế trên sân nhà.
Trước đây, từng có giai đoạn máy nông nghiệp Việt Nam có mặt khắp nơi trong cả nước. Thậm chí, có thời điểm máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước đã đánh bật được dòng máy gặt đập liên hợp sản xuất từ Trung Quốc.
Thế nhưng, đó là chuyện của 10 năm trước, còn 10 năm trở lại đây máy nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng mất dần, thay vào đó là những dòng máy ngoại nhập đã độc chiếm tại thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do Việt Nam chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành.
Một nguyên nhân căn cơ là đặc thù của ngành sản xuất máy nông nghiệp là vốn đầu tư lớn, lợi nhuận rất thấp lại bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều dòng máy nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nên ít ai chịu đầu tư.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ngành cơ khí nông nghiệp ngày càng khan hiếm. Vì thu nhập không cao, làm việc cực nhọc, học tập vất vả. Vì vậy không thu hút được nhân lực cho ngành này.
Từ những nguyên nhân trên, thiết nghĩ đã đến lúc Việt Nam cần có một đơn vị chủ chốt, đứng mũi chịu sào. Phải xây dựng được một nhà máy nông nghiệp hẳn hoi với máy móc trang thiết bị hiện đại, biết chủ động. Và liên kết trong sản xuất để tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước và các bộ ngành có liên quan. Trước mắt cần tập trung đẩy mạnh nguồn vốn, nguồn nhân lực vào các nhà sản xuất nhỏ có năng lực phát triển. Bởi chính các nhà sản xuất nhỏ mới thấu hiểu hết những khó khăn cùng những trăn trở mà ngành cơ khí chế tạo máy đang gặp phải.
Trong quá trình vật lộn để tìm chỗ đứng với các dòng máy nhập khẩu hiện đại. Một số nhà sản xuất nhỏ này đã xác định được năng lực cạnh tranh và tìm cho mình những sản phẩm phù hợp để tồn tại và phát triển. Và rõ ràng, họ đã có những sản phẩm cho riêng mình và đạt được những thành công nhất định.
Từ những thành công nhỏ này nếu được sự quan tâm của Nhà nước và các bộ, ngành chắc chắn sẽ có được những thành công lớn…
Cùng Chuyên Mục: